Sử dụng phân bón và nông dược vì nền nông nghiệp xanh

Mỗi năm nước ta có hơn 10 triệu tấn phân bón và 25 ngàn tấn thuốc trừ sâu được sử dụng cho đồng ruộng. Song, do cây trồng không hấp thụ hết nên đã gây ra sự lãng phí và là tác nhân gây nên sự ô nhiễm môi trường. Sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật như thế nào trong nền nông nghiệp xanh là mục tiêu ngành nông nghiệp hướng đến, cũng là chủ đề của Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL 2013.

Chỉ trong vài thập niên qua, từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Thành tích ấy là nhờ thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng và có vai trò quan trọng của phân bón. Phân bón nói chung và phân bón hóa học nói riêng đã góp phần tăng năng suất cây trồng, chất lượng của nông sản, đặc biệt là đối với cây lúa. Theo đánh giá của Viện dinh dưỡng cây trồng Quốc tế thì phân bón đóng góp khoảng 30-35% tổng sản lượng cây trồng. Tuy nhiên, phân bón cũng là hoá chất, nên nếu sử dụng đúng cách sẽ góp phần tăng độ màu cho đất đai, nâng giá trị nông sản. Còn ngược lại, phân bón là tác nhân gây nên sự ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống.


Đáng lưu ý là từ năm 1985 tới nay, lượng phân bón sử dụng ở nước ta tăng tới 5 lần, trong khi diện tích gieo trồng chỉ tăng 58%. Tuy những năm gần đây, nông dân ngày càng có ý thức hơn trong canh tác nhưng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhìn chung còn được nông dân sử dụng khá tùy tiện.


Năm 2011, Việt Nam đã nhập khẩu 4 triệu 400 ngàn tấn phân bón và nguyên liệu sản xuất phân bón các loại, kim ngạch nhập khẩu 1 tỉ 800 triệu đôla Mỹ, tăng gần 25% về lượng và gần 51% về giá trị so với năm 2010. Năm 2012, lượng phân bón nhập khẩu khoảng trên dưới 4 triệu tấn. Còn năm 2013, Việt Nam ước giảm nhập khẩu còn khoảng 2 triệu rưỡi tấn phân bón các loại, do số lượng nhà máy sản xuất phân bón tăng lên, từ đó khiến nguồn cung trong nước đồi dào. Tuy nhiên, do lệ thuộc một lượng lớn nguyên liệu và một số phân bón phải nhập khẩu do chưa sản xuất được trong nước, nên giá cả thường xuyên biến động tăng. Thêm vào đó là do hệ thống phân phối vật tư nông nghiệp qua nhiều tầng nấc, hầu hết nông dân sử dụng phân bón đều mua trước trả sau nên gánh chịu chi phí cao.


Trong khi đó, theo số liệu tính toán của các chuyên gia thì hiện nay hiệu suất sử dụng phân chỉ đạt từ 30 – 50%. Vì vậy, mỗi năm ước tính có khoảng 1 triệu 700 ngàn tấn urê, hơn 2 triệu tấn lân và khoảng 300 nghìn tấn kali được bón vào đất nhưng không được cây trồng hấp thụ. Lượng tiền tiêu tốn ước tính mất đi gần 30 ngàn tỷ đồng mỗi năm, một phần nằm lại trong đất, một phần bay hơi gây ô nhiễm không khí, số còn lại bị rửa trôi theo nước mưa, ra ao hồ, sông rạch gây ô nhiễm nguồn nước mặt và ngấm xuống tầng nước ngầm.


Sử dụng phân bón lãng phí còn gây tác hại đối với môi trường và sức khoẻ con người. Đạm dư thừa bị chuyển thành chất Nitrat hoặc Nitrit, là những hóa chất độc gây hại trực tiếp động vật thuỷ sinh, gián tiếp đối với các động vật trên cạn khi sử dụng nguồn nước. Đặc biệt là gây hại cho sức khoẻ con người thông qua việc sử dụng các nguồn nước hoặc các sản phẩm trồng trọt, nhất là các loại rau quả ăn tươi. Ngoài tác động gây ô nhiễm môi trường, bón phân đạm quá dư thừa còn gây nên sâu bệnh, cây dễ bị đổ ngã. Chương trình 3 giảm, 3 tăng hay 1 phải 5 giảm mà ngành nông nghiệp triển khai thời gian qua cũng nhằm mục đích giảm việc sử dụng bón trên đồng ruộng hiện nay.


Vì vậy, hiện nay xu hướng dùng phân bón hữu cơ giảm thiểu tác hại môi trường đang phát triển. Tuy nhiên, để phát triển nền nông nghiệp xanh, ngành nông nghiệp khuyến cáo sử dụng phân bón hợp lý theo phương pháp 4 đúng, tức: đúng phương pháp, đúng liều lượng, đúng nhu cầu và đúng thời điểm. Nếu làm đúng như vậy, bà con nông dân có thể kéo thất thoát phân bón từ 50 – 60% như hiện nay xuống còn 25 – 30%.


Trong khi doanh nghiệp sản xuất phân bón, nông dược luôn tìm mọi cách để tăng lượng tiêu thụ thì việc giáo dục nâng cao ý thức của nông dân là quan trọng.

Vài năm trở lại đây, thời tiết khí hậu thay đổi thất thường còn tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Do vậy, nông dân cũng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng. Báo cáo của Tổng cục Môi trường, thuộc Bộ tài nguyên và môi trường cho thấy, trung bình mỗi năm nước ta sử dụng từ 15 ngàn – 25 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật. Gần 100% diện tích đất canh tác nông nghiệp đều có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, thuốc bảo vệ thực vật có chứa độc tố cao với hàng trăm tên thương mại và nguồn gốc xuất xứ khác nhau mà ngành chức năng khó kiểm soát.

Những năm gần đây, tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng khuyến cáo, sử dụng thuốc ngoài danh mục ngày càng phổ biến. Theo khảo sát của ngành chức năng, cả nước hiện có khoảng 15 đến 20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật. 70% trong số này có triệu chứng ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật. Nguyên nhân là do phần đông người dân còn sử dụng thuốc theo thói quen hoặc tập quán địa phương.

Còn theo kết quả kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau của Cục bảo vệ thực vật gần đây cho thấy số hộ vi phạm lên tới gần 27%. Các hình thức vi phạm chủ yếu là sử dụng thuốc ngoài danh mục, sử dụng thuốc không đúng quy trình kỹ thuật, nồng độ, liều lượng… Ở tỉnh Vĩnh Long, qua các đợt thanh tra kiểm tra định kỳ và đột xuất những năm trước đây còn phát hiện việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, thuốc kém chất lượng hay quá hạn sử dụng. Trong khi chế tài xử phạt qui định trong Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật có từ năm 2001 đã không còn phù hợp.Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, quyền và nghĩa vụ của chủ thực vật, chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật … vẫn còn là dự thảo.

Ở vùng chuyên canh khoai lang Bình Tân gần đây còn xuất hiện thêm loài sâu lạ khiến cho mật độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật càng tăng. Một vụ khoai lang 4 tháng, nhưng có đến 15 – 18 lần phun xịt thuốc. Điều này có nghĩa là cứ mỗi tuần là có đợt phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Hay như một vụ xà lách xoong 30 ngày cũng có từ 5-6 lần phun xịt. Còn rau cải mỗi vụ chỉ dưới 30 ngày nhưng có 4 lần phun xịt. Việc phun xịt thuốc tràn lan, không bảo đảm thời gian cách ly an toàn khi thu hoạch khiến cho nguy cơ lưu tồn nhiều chất độc trong rau củ là điều không thể tránh khỏi.

Nếu như trước đây, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật chỉ diễn ra trên cây ăn trái, rau màu, cây lúa thì nay ở các vùng nuôi thủy sản lại tăng rất nhanh. Tình trạng tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL vừa qua, có nhiều nguyên nhân, trong đó có hóa chất xử lý ao.

Việc sử dụng hóa chất ngoài danh mục, hóa chất cấm khiến cho nhiều lô hàng thủy sản, rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản bị cảnh báo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Thói quen tiêu dùng giờ đây đã thay đổi theo hướng yêu cầu cao hơn về chất lượng nông sản, đòi hỏi nông dân cần phải thích ứng trước các thử thách mới.

Do vậy, ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất nông sản là hướng đi tất yếu. Các giải pháp canh tác sinh học thay cho việc sử dụng chất hóa học như thời gian qua là mục tiêu của ngành nông nghiệp tương lai. Trong đó, người sản xuất đạt hiệu quả và lợi nhuận cao còn người tiêu dùng được dùng sản phẩm xanh, sạch và an toàn.

Bài "Sử dụng phân bón và nông dược vì nền nông nghiệp xanh"
Theo Internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

+